Ở Việt Nam, tại một số địa phương đang
phát triển hình thức sản xuất nông
nghiệp là chủ yếu thì vẫn diễn ra tình trạng khá quen thuộc đó là người dân có
tâm lý “ e ngại” hay nói đúng hơn là sợ đến chính quyền – cơ quan Nhà nước.
Không giống như nơi thành thị phát triển -
dân cư có đời sống vật chất cao hơn, những con người lao động chân chất,
quanh năm “ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì mỗi khi có việc cần đến sự
có mặt của các cấp chính quyền họ thường mang trong mình nỗi lo lắng, sợ hãi.
Ở
đây chỉ xin đề cập đến cơ quan hành chính nhà nước gần với dân nhất đó
là Ủy ban Nhân dân cấp Xã. Đây là cấp chính quyền tiếp xúc trực tiếp với người
dân, lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng của người dân sớm nhất – và về lý mà
nói thì đây phải là nơi được người dân tin tưởng và tín nhiệm nhất. Tuy nhiên
thực tế cho thấy có không ít Ủy ban Nhân dân cấp xã ở một số địa phương đã
không nhận được sự tín nhiệm cần thiết của người dân. Không những thế còn tạo
cho họ có tinh thần không thoải mái khi tiếp xúc với đội ngũ cán bộ, công chức
làm việc tại đây. Vậy, nguyên nhân là do đâu?
Hàng ngày, các phòng ban của Ủy ban
Nhân dân Xã thường phải xử lý một khối lượng công việc khá lớn, và thường xuyên
nhất là việc công chứng giấy tờ, đóng dấu xác nhận. Nếu như ở nhiều tỉnh ,
thành phát triển thì công việc này có vẻ dễ dàng khi tại đó đã có nhiều văn
phòng công chứng có tư cách pháp nhân, thay mặt Nhà nước làm công việc này thì
ở những địa phương khác họ buộc phải tìm đến Ủy ban Nhân dân để thực hiện việc
này. Không phải tất cả mọi người dân ở đây đều hiểu rõ được cơ cấu, chức năng
nhiệm vụ các phòng ban của Ủy ban Nhân
dân xã nên một bộ phận không nhỏ người dân đã gặp khó khăn. Với cơ cấu nhiều
phòng, ban và tại khá nhiều địa phương thì vẫn không có những hướng dẫn cụ thể
về chức năng của từng bộ phận này nên mọi người rất khó xác định đâu là nơi họ
cần đến. Cùng với đó là không ít cán bộ, công chức Nhà nước có thái độ không
thật sự thoải mái, tận tình khi tiếp xúc với người dân, thậm chí họ còn tỏ thái
độ bực bội, khó chịu khi làm việc. “Cán bộ, công chức” - họ là người được Nhà
nước trao quyền để đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau nhưng không phải vì vậy mà
họ có quyền đặt mình ở trên người dân để làm khó, gây phiền hà cho người dân.
Suy cho cùng, điều đáng quan tâm nhất
ở đây là “ tinh thần trách nhiệm “ và “ thái độ phục vụ “ của đội ngũ cán bộ,
công chức trong quá trình thực thi công vụ. Người Phương Đông có lối sống “
cộng đồng “, coi trọng tình cảm và những chuẩn mực đạo đức nên khi thấy bản
thân chưa được tôn trọng một cách đúng mực thì có thể họ sẽ có những nhận xét,
đánh giá không tốt đối với cơ quan Nhà nước. Quả thật, không thể phủ nhận một
thực tế là khi thật sự cần thiết thì người dân mới tìm đến các cấp chính quyền
và họ vẫn chưa coi đây là nơi để họ chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của mình.
Và những thủ tục, giấy tờ phức tạp khiến cho mọi người “ lao tâm khổ tứ “ rất
nhiều mỗi khi cần giải quyết những vấn đề liên quan đến đất đai ( điển hình là
cấp Sổ đỏ sử dụng đất cho người dân ). Như vậy, chính những khó khăn gặp phải
trong khi đến cơ quan nhà nước để giải quyết những vấn đề thường ngày trong
cuộc sống đã dần dần hình thành nên tâm lý “ e ngại “ ở người dân khi tiếp xúc
với cơ quan nhà nước. Cả nước ta đang “ Chung tay cải cách thủ tục hành chính”
dần tiến lên một nền hành chính trong sạch, vững mạnh nên một trong những vấn
đề cần giải quyết trước nhất đó là làm sao để đó thực sự là một nền hành chính
“ gần dân “ theo đúng nghĩa của nó. Mỗi vấn đề nhỏ nhất từ giai đoạn tổ chức
đến việc xây dựng quy chế về đạo đức cán bộ, công chức, đạo đức nghề nghiệp đều
phải được chú trọng – có như vậy chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu mà chúng
ta đang hướng tới.
_Thiên Hà_
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét