Cứ
mỗi độ thu về, phảng phất trong heo may man mác là hương cốm tươi xanh của mùa
thu Hà Nội, một mùi hương quen thuộc đã làm say lòng bao lữ khách qua đây. Đến Hà Nội, không ai không nhớ đến một thứ
quà ngon nổi tiếng, một thứ quà của lúa non. Cái thứ quà vừa dân dã vừa thanh
tao đó có tên gọi là “Cốm làng Vòng”. Vâng! Không biết tự bao giờ, cốm làng
Vòng đã quyện hoà với sắc thu Hà Nội, để trở thành nỗi nhớ của người Hà thành
lúc đi xa.
“Tiếng rao bán cốm rộn vang từng ngóc ngách phố phường - ai cốm đây – cốm
làng Vòng đây, ai cốm đây – ai cốm đây – ai cốm nào – cốm làng Vòng ngon đây
...”
Những âm thanh quen thuộc đó đã đi khắp phố
phường Hà Nội và mang theo âm hưởng mùa thu. Đúng vậy, đặc sản “cốm làng Vòng”
có từ lâu đời được làm từ nếp cái hoa vàng, một năm có hai vụ: vụ chiêm chỉ có
cốm vào tháng tư. Vì đây là trái vụ nên cốm của vụ chiêm không mấy hấp dẫn.
Muốn ăn cốm ngon phải đợi đến vụ mùa, bắt đầu từ tháng bảy đến tháng mười. Khi
ấy là vào mùa thu, mùa của đất trời Hà Nội. Hạt cốm ngày càng xanh, càng mỏng,
càng dẻo, càng thơm... Và cốm làng Vòng vượt qua khỏi luỹ tre làng, theo những
gói quà, những gánh hàng rong đến với người thân, đến với người ăn chơi sành
điệu, rồi trở thành đặc sản quý, một món ăn tao nhã nổi tiếng của người Tràng
An.
Nói về cách thức làm cốm, tất
nhiên là rất nhiều vùng quê biết làm nhưng phải thừa nhận rằng không có đâu làm
được hạt cốm dẻo và thơm ngon bằng ở làng Vòng. Người làng Vòng làm cốm rất
công phu. Đầu tiên, họ trồng lúa, đợi đến lúc lúa khum ngọn, hãy còn sữa thì
gặt đem về làm cốm. Bà Ngô Thị Thư ở Dịch Vọng - Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm
về món cốm truyền thống này:
“Cốm làng Vòng, phải làm từ loại cốm vừa nhú ra bấm hãn còn sữa thì mới làm được cốm nếu mà nó đỏ rồi nhé,
thế rồi nó cứng như bánh tẻ không làm được nhé, lẫn tẻ không làm được, cốm phải
nguyên si hạt cốm không lẫn hạt nào thì cốm mới rẻo mới ngon”
Không hiểu sao người ta lại dùng lá sen để đựng cốm? Có lẽ thứ quà tinh
khiết ấy phải được gói bằng lá của loài hoa “sạch sẽ”, “gần bùn mà chẳng hôi
tanh mùi bùn” thì mới thấy hết được ý nghĩa của nó. Bằng lá sen - một biểu
tượng của sự thanh khiết, nhẹ nhàng
“nâng niu” những hạt ngọc quý của đất trời. Cốm được gói bằng lá sen thì sẽ
thơm và ngon hơn khi người ta gói bằng một thứ lá khác. Cốm thường được ăn cùng
với chuối tiêu trứng cuốc nhưng ngon nhất vẫn là ăn với trái hồng chín đỏ. Và
Thạch Lam trong cuốn “Hà Nội 36 phố phường” đã ví: “Cái màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như
ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, không gì hòa hợp bằng”.
Vậy đấy! Không phải ngẫu nhiên mà
thứ quà mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam lại cùng
mùa thu Hà Nội đi vào thơ ca như một nét
thanh tao của người Hà thành.
“…..Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội
Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió
Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ
Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua…”
Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió
Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ
Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua…”
(Nhớ mùa Thu Hà Nội: Trịnh Công Sơn)
Dường như, Hà Nội trong ký ức của
tôi ngày xưa đó là thời gian đẹp nhất chính là mùa thu. Mùa Thu thường gợi cho tôi
về hương cốm. Trước khi về tổ ấm thân thương của mình, mẹ luôn dặn tôi mang về
món ăn đặc trưng ấy, Hương cốm của Hà Nội. Tôi quyết định tới phố Dịch Vọng, bởi vì ở đó người ta làm cốm
bằng tất cả tâm hồn và tất cả những gì của mùa thu Hà Nội. Cuối tháng này, tôi
sẽ trở về quê hương, tôi sẽ kể với bạn bè tôi, gia đình tôi, đặc biệt là mẹ tôi
về hương cốm của Hà Nội ngày nay để mọi người có thể so sánh được hương vị
trước đây và bây giờ như thế nào?.
Ngày nay ít
người làm cốm mà cũng ít người biết thưởng thức cốm vì lẽ có nhiều bánh kẹo
đóng hộp đóng gói vừa đẹp vừa tiện nên người ta chẳng mấy chú ý đến cái thức
bán hàng rong này. Nhưng chắc không ít người nhớ đến hương vị cốm mỗi độ thu
về. Riêng tôi hương cốm làm tôi nhớ về chốn đồng quê với hương vị của lúa non,
của những cánh đồng sắp vào vụ. Nó gợi về một vùng yên bình thật nhẹ nhàng chứ
chẳng ồn ào xe cộ, khét lẹt mùi khói của phố phường quá ư là đông đúc. Bà Usara Marken, người Hoa kỳ tâm sự:
“I
have come to Vietnam for two years, but the first time I Have enjoyed Com, I felt so exciting about its
taste, so perfect. My sense of taste was covered with taste of countryside and
I even felt so surprised by the wonderful combination of its colors”.
(Tôi đến Việt Nam 2 năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được thưởng thức món
ăn này, tôi cực kỳ thú vị về hương vị của nó, thật hoàn hảo. Bao bọc vị giác
của tôi là mùi vị của đồng nội, ngay cả màu sắc của nó cũng làm tôi ngạc nhiên
về sự phối hợp tuyệt vời.)
Đúng vậy ! Mỗi
độ heo may về, trong ký ức, người Hà Nội lại nhớ đến hương cốm ngầy ngậy của
làng Vòng. Quả thực, bức tranh mùa thu sẽ thiếu hụt biết bao nhiêu nếu thiếu đi
một nhúm nếp xanh bọc trong lá sen và quấn mấy sợi rơm non. Có thể nói thương
hiệu “cốm làng Vòng” đã nổi tiếng khắp ba miền. Dù có mai một đi nhưng thương
hiệu “Cốm làng Vòng” vẫn giữ mãi trong nét đẹp văn hóa của đất nước. Chính vì
thế, chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm phát triển một thương hiệu dân gian
truyền thống, góp phần gìn giữ đặc trưng riêng của Hà Nội ngàn năm văn hiến./.
_Nguyễn Ngọc Anh_
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét