Một vài ngộ nhận về nghiên cứu khoa học

Một vài ngộ nhận về nghiên cứu khoa học



Trong vở kịch “Romeo và Juliet”, văn hào Shakespeare cho Juliet nói một câu về hoa hồng như sau: “Một đóa hoa hồng, dù được gọi bằng bất cứ tên gì, thì vẫn có hương vị ngọt ngào”. Câu hỏi đặt ra là trong khoa học, chúng ta có thể phân biệt các hoạt động nghiên cứu khoa học với các hoạt động khác trong xã hội mà nhìn và cảm nhận cũng giống như nghiên cứu?
 

   Theo một giáo sư khả kính thì hai hoạt động sau đây là nghiên cứu khoa học: một bà nội trợ đi thăm dò giá cả ngoài chợ để mua thực phẩm với giá rẻ nhất và chất lượng tốt nhất, hay đôi trai gái tìm hiểu nhau trước khi tiến đến hôn nhân. 


  Nhưng tôi ngờ rằng cách hiểu về nghiên cứu khoa học như là những hoạt động thường ngày của vị giáo sư có phần phiến diện, nếu không muốn nói là sai. Thế thì vấn đề đặt ra là: thế nào là một nghiên cứu khoa học (NCKH)? 


  Người viết bài này (và nhiều người khác) có thể lấy kinh nghiệm thực tế của mình để trả lời câu hỏi trên. Nói một cách ngắn gọn: nghiên cứu khoa học là một hoạt động của con người nhằm mở rộng tri thức qua các phương pháp khoa học. Theo cách hiểu phổ quát này, có hai điều kiện để một hoạt động có thể xem là nghiên cứu khoa học: mục tiêuphương pháp. 

  Nghiên cứu khoa học phải nhằm mục tiêu phát triển tri thức mới, hay đóng góp thêm tri thức cho kho tàng tri thức của con người. Những tri thức này phải mang tính phổ quát hay có thể khái quát hóa. Một bà nội trợ có thể ra chợ khảo sát giá cả thực phẩm và có những so sánh thú vị, nhưng đó không phải là một NCKH, bởi vì tri thức đó không thể khái quát hóa. Người ta có thể tạo ra tri thức bằng cách kiểm tra nhiệt độ nước trong bồn tắm, nhưng tri thức này chỉ hợp lí tại một thời điểm và một bối cảnh cụ thể. Nhưng nếu người đó đổ nước nóng vào bồn tắm và đo lường sự thay đổi nhiệt độ nước, thì đó là một tri thức có thể khái quát hóa, và đáp ứng một điều kiện của NCKH. 

   Nghiên cứu khoa học là một cuộc điều tra hay khảo sát có hệ thống. Hai chữ “hệ thống” ở đây có nghĩa là công trình nghiên cứu được thực hiện theo những qui trình chuẩn. Qui trình chuẩn trong nghiên cứu khoa học gồm 8 bước: đặt câu hỏi; thu thập thông tin hiện hành; đặt giả thuyết; thử nghiệm và thu thập dữ liệu; phân tích dữ liệu; diễn giải kết quả phân tích; công bố kết quả; và tái kiểm định giả thuyết. Trong qui trình này, phương pháp đóng vai trò quan trọng, vì chính phương pháp quyết định khoa học tính của một hoạt động, và phân định hoạt động đó là khoa học hay phi khoa học. Một phương pháp thu thập dữ liệu mang tính khoa học nếu phương pháp đó có cơ sở lí thuyết, có giả định, độ tin cậy cao, và độ chính xác cao. 

   Vì phương pháp khoa học có độ tin cậy và chính xác cao, cho nên kết quả của NCKH có tính lặp lại (repeatability). Nói cách khác, nếu giả sử có một nghiên cứu đã được công bố bởi một nhà khoa học nào đó; nếu một nhà nghiên cứu khác lặp lại nghiên cứu đó bằng những phương pháp và với điều kiện đã được mô tả, phải đạt được những kết quả tương tự. Điều này rất khác với các hoạt động phi khoa học, vì kết quả của các hoạt động phi khoa học không có khả năng lặp lại hay kiểm tra. Do đó, việc khảo giá của bà nội trợ hay việc đôi trai gái tìm hiểu nhau không thể xem là khoa học, bởi những kết quả đó không có khả năng lặp lại và khái quát hóa. 

   Bởi vì phương pháp khoa học dựa trên lí thuyết và giả định, cho nên kết quả khoa học phải được diễn giải bằng bằng chứng, bằng lí luận dựa vào logic hay lập luận của toán học, không đi ra ngoài phạm vi của dữ liệu cho phép. Ngược lại, các hoạt động phi khoa học thường dựa vào niềm tin và sự trung thành. Những hoạt động phi khoa học thường mang tính tôn giáo; nó cố gắng cải đạo, chứ không thuyết phục bằng bằng chứng thực nghiệm; nó đòi hỏi người ta phải tin, mặc kệ cho sự thật có đi ngược lại niềm tin. 

   Bởi vì kết quả của nghiên cứu có giá trị phổ quát, cho nên kết quả nghiên cứu không hẳn tùy thuộc vào điều kiện và bối cảnh địa phương. Do đó,cho rằng “Chẳng hạn, một đề tài mang lại ý nghĩa lớn đến phòng chữa bệnh ở xứ sở nhiệt đới như nước ta. Nghiên cứu về ‘Mắm tôm và bệnh tả’ dầu có thể là rất bổ ích (ít nhất là đối với Bộ Y tế) nhưng chắc không tạp chí quốc tế nào đăng” thể hiện một sự hiểu lầm và … sai. Có lẽ tác giả của câu phát biểu trên không biết rằng các tập san khoa học danh tiếng về bệnh nhiệt đới đều có trụ sở ở Mĩ và Anh, chứ không phải ở Á châu hay Phi châu. Bộ Y tế đã khẳng định rằng mắm tôm không phải là nguyên nhân gây bệnh tả; do đó, câu phát biểu trên chẳng những không cần thiết, mà còn không thích hợp. 

   Ngay cả nếu một nghiên cứu về mắm tôm và bệnh tả được thực hiện, thì kết quả của nghiên cứu vẫn có thể công bố trên các tập san khoa học có uy tín, nếu công trình nghiên cứu được tiến hành đúng theo các phương pháp khoa học. Thật là sai lầm khi suy nghĩ rằng mắm tôm là một đặc sản của Việt Nam, và do đó, kết quả nghiên cứu mắm tôm không được thế giới quan tâm. Vấn đề không phải là mắm tôm, mà mắm tôm là một trong những mô hình để nghiên cứu về nồng độ mặn và vi khuẩn tả, và đó là một vấn đề khoa học mang tính phổ quát. Tương tự, khi chúng tôi muốn phân định ảnh hưởng của đạm thực vật đến xương, chúng tôi có thể chọn nghiên cứu các tu sĩ Phật giáo đại thừa, hay chúng tôi muốn tìm hiểu vận động cơ thể và chất lượng xương, chúng tôi có thể chọn nghiên cứu ở những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não (vì một số bệnh nhân không có khả năng đi đứng). Bệnh nhân tai biến, tu sĩ Phật giáo, và mắm tôm trong những nghiên cứu này là những mô hình khoa học để nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố sinh học đặc thù, chứ không phải là những nghiên cứu chỉ áp dụng cho một địa phương hay cho một nhóm người. 

   Những người làm nghiên cứu khoa học dấn thân vì mục tiêu khám phá, truyền bá, và phổ biến sự thật. Một công trình nghiên cứu khoa học chỉ hoàn tất khi kết quả được công bố trên một tập san khoa học có đồng nghiệp bình duyệt và phản biện nghiêm chỉnh. Ở đây, tính minh bạch của NCKH rất quan trọng, vì nó chẳng những là một yêu cầu của khoa học mà còn là một khía cạnh để phân biệt khoa học với phi khoa học. 

   Các hoạt động thường ngày mới nhìn vào thì thấy cũng chẳng khác gì nghiên cứu khoa học, nhưng thật ra thì không phải nghiên cứu khoa học, do không đáp ứng hai điều kiện cần thiết: mục tiêu và phương pháp. Vì không phân biệt được hai điều kiện này nên nhiều người không hiểu thế nào là một nghiên cứu khoa học. Thật vậy, trong một cuộc thăm dò ý kiến ở Mĩ vào năm 1999, chỉ có 21% người dân hiểu đúng về nghiên cứu khoa học. Ở một nước với trình độ khoa học tiên tiến như Mĩ mà có đến gần 80% người không hiểu về nghiên cứu khoa học, thì có lẽ chúng ta không ngạc nhiên nếu thấy ở nước ta cũng có nhiều người chưa am hiểu về nghiên cứu khoa học. Nhưng đó không phải là lỗi của người dân, mà là vấn đề của giới khoa học và giới truyền thông. Rất tiếc là một số nhà khoa học vẫn hiểu lầm thế nào là một nghiên cứu khoa học! 

   Khoa học, nhà khoa học, nghiên cứu, trí thức, v.v... không phải là những phù hiệu mà ai muốn mang vào ngực thì mang, mà là những việc làm thực tiễn, những ý nghĩ hay sáng kiến mới. Muốn có những sáng kiến mới và làm nghiên cứu thực tế, nhà khoa học phải làm việc một cách gian khổ, bất vụ lợi, có khi rất lâu dài. Có thể ví khoa học như một cái đỉnh chót vót của sự chính trực, công bằng, và hợp lí. Nhưng cái đỉnh này nó trơn và dễ bị trượt. Người ta cần phải có một sự cố gắng tột bực mới đến gần hay đứng trên nó được, và càng phải cố gắng hơn để ở được cái vị trí đó. 

Nguyễn Văn Tuấn
(Bài đã đăng trên Tia Sáng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét