Giao lưu gặp mặt sinh viên Học viện Hành chính tham gia PAPI 2011, 2012


Sáng nay, ngày 07/04/2013, tại phòng hội thảo B, Học viện Hành chính đã diễn ra buổi “Giao lưu gặp mặt sinh viên Học viện Hành chính tham gia PAPI 2011, 2012” do CLB Sinh viên nghiên cứu khoa học, Học viện Hành chính tổ chức.

Đến dự với buổi giao lưu này, ngoài vị khách mời rất quen thuộc và thân thiết với CLB, TS Nguyễn Ngọc Hiếu – Phó trưởng khoa Đô thị và nông thôn,  CLB còn rất may mắn và vinh dự, khi được tiếp xúc, làm việc với Chị Đỗ Thị Thu Huyền và Chị Nguyễn Thúy Hằng cùng các anh chị cựu hội viên của CLB đồng thời là cựu sinh viên Học viện đã tham gia dự án PAPI.

Buổi giao lưu bắt đầu bằng những khúc ca rộn ràng của các bạn sinh viên CLB, nhằm tạo không khí gần gũi, thân thiện và cởi mở hơn.
Phần đầu của buổi giao lưu, anh Nguyễn Thế Tài và Anh Nguyễn Văn Việt- 2 cựu hội viên của CLB, từng tham gia dự án PAPI đã giới thiệu 1 số hình ảnh thực địa của dự án, và những nét chính, cơ bản nhất về dự án PAPI để các bạn hội viên có thể phần nào hiểu về dự án này.

Chỉ số hiệu quả hành chính công cấp tình (PAPI) là một dự án nghiên cứu được phối hợp thực hiện giữa COCEDES ( Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ cộng đồng), Tạp chí Mặt trận ( Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam), Ban Dân Nguyện ( UB Thường vụ Quốc hội) ( từ tháng 2/2012), và UNDP Việt Nam. PAPI đo lường và đánh giá tính hiệu quả về quản trị và hệ thống hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam dựa vào cảm nhận và trải nghiệm của người dân. Việc so sánh và xếp hạng giữa các tỉnh sẽ tạo ra sự khích lệ mạnh mẽ trong việc hoàn thiện công tác quản trị ở các địa phương. Bộ chỉ số PAPI cũng trao quyền cho người dân được nói lên tiếng nói của mình về sự hài lòng, những khó khăn và những kiến nghị liên quan đến dịch vụ công ( bao gồm hành chính công và dịch vụ công về xã hội ).
Trong năm 2009, PAPI đã triển khai thử nghiệm ở 3 tỉnh thành phố, và những kết quả của dự án được trình bày trong các hội thảo tại3 tỉnh, có sự tham dự của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ, các ban ngành và giới truyền thông trong tỉnh. Nhận được sự đồng tính, khích lệ , và qua những góp ý cụ thể, dự án đã hoàn thiện về phương pháp luận và phương thức tiến hành để PAPI đạt chất lượng cao về khoa học và thực tiễn. Năm 2010, dự án được triển khai tại 30 tỉnh/thành phố. Năm 2011, dự án được triển khai trên tất cả 63 tỉnh/thành phố ở VIệt Nam. Trong các năm sau, PAPI sẽ được tiến hành hàng năm trên phạm vi cả nước. Nội dung đánh giá của PAPI dựa trên 3 quá trình có tác động lẫn nhau, đó là : xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát việc cung ứng các dịch vụ công. Các trục nội dưng được thiết kế đặc biệt cho bối cảnh Việt Nam cả tầm quốc gia và tầm địa phương.
Dựa trên những thông tin thu lượm từ ý kiến của người dân và sự xếp hạng giữa các tỉnh, COCEDES , MTTQ, Ban Dân nguyện và UNDP hy vọng sẽ góp phần hoàn thiện quá trình minh bạch, thúc đẩy cải cách, phát huy sự tham gia của xã hội dân sự vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách. Đồng thời dữ liệu của PAPI sẽ là những thông tin định lượng có giá trị có thể tham khảo trong quá trình lập chính sách. PAPI được hỗ trợ hiệu quả  về chuyên môn và kĩ thuật bởi Ban tư vấn quốc gia dự án PAPI và nhóm chuyên gia quốc tế về đo lường quản trị nhà nước.
Tiếp theo đó là phần chia sẻ kinh nghiệm làm việc, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình thực hiện khảo sát, những dặn dò cho các sinh viên đi sau của các anh chị Khóa 8, 9, 10 đã tham gia trong dự án PAPI. Qua chia sẻ của các anh chị, thì trong quá trình làm việc, mỗi người, mỗi sinh viên sẽ được ôn lại những kiến thức đã học trong nhà trường, lại được gặp gỡ, trao đổi, học hỏi nhiều điều từ người dân, lắng nghe bức xúc của người dân.

Chị Hằng, PGĐ COCEDES, đơn vị điều phối nhân sự cho dự án PAPI đã có ý kiến phát biểu, giao lưu với các bạn sinh viên trong CLB, theo chị, điều mà các bạn sinh viên cần có, nên có sau khi tham gia dự án này là vận dựng kiến thức từ nhà trường và từ trải nghiệm thực tế trong quá trình làm việc tại dự án, có thể có những sáng kiến, đề xuất gì để đóng góp lại cho cộng đồng. Chị Hằng và chị Huyền cũng thẳng thắn trao đổi, đóng góp ý kiến với các bạn sinh viên về các vấn đề khi tham gia dự án PAPI.

Thầy Nguyễn Ngọc Hiếu cũng chia sẻ cảm nhận của mình về dự án PAPI, về cơ hội của sinh viên Học viện Hành chính khi tham gia dự án này, theo thầy, các bạn tham gia PAPI có cơ hội cọ sát, nâng cao năng lực bản thân, có cơ hội làm việc chuyên nghiệp và đóng góp nhiều hơn cho xã hội, thầy cũng nhấn mạnh dự án PAPI chính là cơ hội, là nơi ươm mầm những hạt giống tài năng cho đất nước.
Phần hấp dẫn và sôi nổi nhất của buổi giao lưu có lẽ là phần các nhóm chia sẻ, trình bày những ý tưởng đã được chuẩn bị trước đó của mình, có rất nhiều ý tưởng hay, phù hợp với thực tế và có tính khả thi cao, như ý tưởng “ Thư viện cho em” của nhóm 3, nhằm mục đích đưa sách, đưa tri thức về vùng trung du, miền núi phía Bắc cho học sinh tiểu học và trung học. Các ý tưởng được các anh chị trong dự án PAPI đánh giá cao. Chị Hằng cũng có chia sẻ rằng, trong quá trình xây dựng dự án, các bạn sinh viên phải nhìn được thanh niên chúng ta làm được gì, có lợi thế gì, nên đưa ra những đề xuất mang tính hành động hơn là những vấn đề mang tính khảo sát quá cao. Đây cũng là 1 kinh nghiệm rất hay dành cho các bạn sinh viên của CLB trong quá trình lên ý tưởng và xây dựng các đề tài.



Mặc dù buổi giao lưu với các anh chị trong dự án PAPI kết thúc khá muộn, nhưng các bạn trong CLB vẫn nán lại, cùng nhau cất vang bài hát Happy birth day chúc mừng sinh nhật những bạn sinh trong tháng 4, những món quà tuy nhỏ nhưng chứa biết bao nhiêu tình cảm, những cái nắm tay xiết chặt, những ánh mắt nhìn nhau không nỏi nhưng đầy cảm xúc. Chúc các bạn có sinh nhật trong tháng 4 sẽ luôn vui vẻ, mỉm cười trước những khó khăn của cuộc sống. Chúc cho các bạn sẽ là những nhân tố làm nên sự thành công của CLB sinh viên nghiên cứu khoa học, Học viện Hành chính.
Mời bạn cùng đến với buổi sinh hoạt CLB lần sau, để có được những kiến thức mới, bổ ích, có được nơi giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ, có được những người bạn mình có thể sẻ chia./
                                                                                   Tác giả: Tuấn Hải nhóm PR



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét