ĐẶT CƯỢC
(Tản mạn)
Theo thông tin
chưa chính thức Ban chủ nhiệm CLB sinh viên nghiên cứu khoa học Học viện Hành
chính đã quyết định lựa chọn thời điểm tổ chức hội nghị kiện toàn nhiệm kỳ 3
vào ngày 27 tháng 4 tới đây. Sẽ chẳng có gì phàn nàn về việc này bởi đó là “quyền”
được trao cho Ban chủ nhiệm (BCN) tại khoản 3 điều 11 Quy chế tổ chức và hoạt động
CLB.
Tuy nhiên, với
thực tế như hiện nay, rất khó trông chờ vào một hội nghị thành công tốt đẹp, bởi
những nguyên nhân chủ quan và khách quan mà phần lớn là chủ quan.
Đầu tiên phải nói về công tác quản lý nhân sự.
Quá trình chuyển
giao vị trí nhóm trưởng trong các nhóm đến hiện nay có vẻ tiến triển theo hướng
tốt, việc đó sẽ đảm bảo cho Hội nghị lần này diễn ra theo một quy trình tuần tự.
Tuy vậy, vấn đề lại nằm ở BCN bởi việc quản lý nhân sự (tức hội viên) từ trước
đến nay chưa khi nào chặt chẽ và ổn định được quá ba tháng, chứng minh việc này
thì dễ thôi, nếu bất ngờ hỏi sáu thành viên nào đó của BCN rằng “hiện nay CLB
đang có bao nhiêu hội viên chính thức trên danh sách?” hẳn sẽ không có dưới ba
con số khác nhau được đưa ra. Còn nếu bạn hỏi “hiện nay CLB có bao nhiêu hội
viên thực tế?” bạn sẽ thấy vẫn là tỷ lệ con số trên nhưng cộng thêm một lời
“không biết” hay đại loại lý do gì đó kiểu như: đang rà soát, có hơn “n” hội viên, cái này thuộc chức năng của ủy viên
A,B,C nào đó, tất nhiên đó là trước khi BCN đọc được bài viết này. Đây sẽ là một
trở ngại rất lớn cho việc hoạt động của CLB và đặc biệt là Hội nghị mà chúng ta
sẽ nói ở phần cuối bài viết.
Quay lại với vấn
đề công tác quản lý nhân sự. Hẳn chúng ta sẽ không phải giao giảng nhiều hay
trình bày một cách dài dòng về công tác quản lý nhân sự là gì? Bởi lẽ theo
thông tin được biết thì ít nhất cũng có 2/6 Ủy viên chính thức BCN đang học
khoa nhân sự, nên các ủy viên này thừa hiểu quản lý nhân sự gồm những gì. Tuy vậy,
điều cơ bản nhất và cũng là đơn giản nhất trong vấn đề tổ chức đó là nắm được
“con số” tổ chức có bao nhiêu người, chỉ là đếm số người nhưng có vẻ đó là công
việc gian nan, nhiều phiền phức, mệt mỏi và lắm nhiêu khê với BCN, bởi chúng ta
đã thấy BCN đã “đếm” số người từ buổi sinh hoạt này đến buổi sinh hoạt khác, từ
hội nghị này đến hội nghị khác, mà cái hội nghị gần nhất cũng phải cách đây gần
7 tháng, vậy mà bây giờ CLB vẫn có hai danh sách hội viên là “danh sách hội
viên danh nghĩa” và “danh sách hội viên thực tế tham gia sinh hoạt”. Có lẽ những
ý kiến của hội viên đại loại như “đề nghị BCN làm nghiêm để chốt danh sách, gạch
tên những hội viên không nhiệt tình tham gia sinh hoạt,....” sẽ vẫn chỉ dừng lại
ở mức ý kiến và còn xa mới thấy một cánh tay làm mạnh. Có vẻ như việc thử áp dụng
vào thực tế những kiến thức đã học được của các thành viên BCN là một con đường
còn gian truân hơn là ta nghĩ.
Thứ hai, đó là ý thức hội viên.
Không cần phải mất
thời gian “bới lông tìm vết” chúng ta cũng thấy việc này rõ ràng đến thế nào. Nếu
như cái việc không quản lý “đến nơi” số lượng hội viên cũng như không dứt khoát
về công tác tổ chức kia là trách nhiệm của BCN thì chúng ta cũng không thể lơ
đi cái quan trọng nhất là “ý thức hội viên”. Hẳn rất dễ dàng bắt gặp những ý kiến
của Hội viên như: các buổi sinh hoạt rất nhạt, suốt ngày tổ chức hội họp, chất
lượng sinh hoạt ngày càng kém, Ban chủ nhiệm làm việc thiếu hiệu quả, thành quả
của CLB không thấy đâu v.v...nhưng vấn đề của CLB lại chính là nằm ở chỗ đấy.
Chúng ta phải thật thà với nhau rằng “chúng ta đang cư xử theo kiểu rất con người
Việt Nam”, đó là chỉ biết phê phán, đánh giá và đòi hỏi, việc các hội viên cư xử
thực ra chẳng khác gì cái cách mà người Việt Nam đòi hỏi vào chính quyền, theo
lối tư duy chính quyền sinh ra để phục vụ, có nghĩa vụ phục vụ, và chỉ biết phục
vụ, do vậy chính quyền hy sinh là “đương nhiên” còn người dân thụ hưởng là “mặc
định”.
Như chính chủ trương đổi giờ học giờ làm để
tránh ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, cá nhân tôi không đánh giá chính sách
đó đúng hay sai, mà chỉ bình luận về thái độ của xã hội. Một vài năm trước tôi
đã đọc được những bài báo và những ý kiến của nhiều người phê phán những biện
pháp giải quyết ách tắc giao thông tại các đô thị lớn của Việt Nam là chậm đổi
mới, sao không học các nước khác là đổi giờ học giờ làm để giãn thời gian di
chuyển tránh ùn tắc, vậy mà mấy năm sau khi chủ trương vừa được ban hành ra là
dư luận nhảy dựng lên: không khả thi, ngồi
trên trời làm chính sách, quản lý kém, chẳng phù hợp với văn hóa của người Việt
Nam v.v...Ơ hay, áp dụng cũng kêu, không áp dụng cũng kêu. Mà chẳng biết dư
luận có ầm ầm hết thật không hay chỉ là mấy anh chị nhà báo muốn một công đôi
việc đưa con đến trường rồi đi làm luôn vì tức quá nên thi nhau viết bài phê
phán, mà báo chí thì nhiều chuyện lắm, một người viết cả triệu người đọc và thế
là thành công luận, mà người Việt Nam mình thì quan tâm phân tích làm gì, cứ thấy
công luận, cứ thấy số đông đồng tình thì nhất định cho là đúng, thế là chốt lại
ngay “ý kiến của số đông” mà chẳng thấy
có số liệu của cuộc nghiên cứu nghiêm túc nào chứng minh “ rằng có đa số phản đối”.
Mỗi người dân không chịu cố gắng hy sinh đi sớm, đi muộn một chút mà cứ nhất nhất
đòi nhà nước phải đơn phương hy sinh, phải tìm giải pháp cho giao thông (mà giải
pháp nào vừa đưa ra cũng quen miệng chê trước đã) như thế thì cái tắc vẫn còn tắc
nhiều. Vin vào văn hóa của người Việt Nam ư? Vẫn cứ giữ cái văn hóa chỉ biết
đòi hỏi như thế thì rồi Việt Nam chúng ta sẽ phát triển nhanh lắm, sẽ công bằng
văn minh sớm thôi, hỡi ôi “văn hóa đòi hỏi và văn hóa ỉ lại”.
Vậy đấy, nói cái
ý thức của một số Hội viên rất con người Việt Nam phần nào giống như thế. Tất
nhiên chưa chắc đó đã là điều hoàn toàn xấu, nhưng khi chúng ta thiếu trách nhiệm
với cộng đồng, với tập thể mà chỉ vun vén vì lợi ích của mình, sống chỉ biết
mình thì đó là tư duy manh mún của một dân tộc đi lên từ nông nghiệp lạc hậu chỉ
biết “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Phê phán ư, đánh giá ư? Tốt thôi – nhưng với điều
kiện là bạn phải đưa ra giải pháp giúp giải quyết được vấn đề, nếu không đưa ra
được giải pháp thì chúng ta chẳng có tư cách mà phê phán người khác, bởi chí ít
dù có tệ nhưng họ cũng đã đưa ra được một giải pháp. Đòi hỏi ư ? nếu đã cho người
khác cái gì rồi thì chúng ta có quyền đòi hỏi những thứ tương xứng, còn nếu
chúng ta không cho người khác cái gì mà chỉ quen nhận, đơn phương nhận thì tốt
nhất hãy ngồi im để người ta cho cái gì thì lấy cái đó thôi. Các bạn Hội viên
có quyền đòi hỏi sự hy sinh từ Ban chủ nhiệm hay CLB, hoặc từ các bạn hội viên
khác nhưng nếu các bạn không chịu hy sinh vì tổ chức, không cống hiến, không
tham gia sinh hoạt.... thì tốt nhất hãy nghỉ luôn đi để CLB dồn sức và kinh phí
cho những người khác gắn bó với CLB. Các bạn còn trẻ, hãy sống có trách nhiệm
và cho ra sống, phải biết vì tập thể và chịu hy sinh chứ “đừng hỏi tổ quốc đã
làm gì cho ta ?” hãy hỏi điều ngược lại. Đừng chỉ biết kêu gào đòi hỏi, thế
cũng là người Việt Nam đó!
Thứ ba, Duy tình hay duy lý?
Vấn đề này thì cả
BCN và Hội viên đều sẽ phải cân nhắc, có một lần vô tình tôi đọc được một thông
báo có tính chất “phê bình” cách làm việc của BCN của một thành viên Ủy ban
giám sát thực thi quy chế, nhưng điều làm tôi ái ngại chính là có một (mà thực
ra không chỉ một) ý kiến có vẻ gay gắt với nội dung đại loại như “sao không nói
riêng với BCN mà đem ra chỗ công khai làm gì?” Ô hay, có phải người ta phê bình
chuyện tư đâu, người ta đang phê bình về việc công đó chứ? Việc công mà không
mang ra chỗ công luận thì mang đi đâu?
Các
bạn có biết tôi nghĩ gì không? Đó là: chúng ta đang chết dần đi bởi những kiểu
tư duy thế này. Khi học trên lớp các thầy cô giảng bài về phong cách làm việc,
về tư duy làm việc hay kể những câu chuyện về nền hành chính Việt Nam ngày càng
quan liêu, kém chất lượng hẳn các bạn sẽ phê phán nhiều lắm về cái lề lối làm
việc rất “vĩ hòa vi quý”, chính các bạn hơn ai hết cũng tức giận cái cách mà
nhiều cán bộ công chức tại các cấp bao che, bưng bít cho sai phạm của nhau, phê
bình kiểm điểm nội bộ không giám công khai khuyết điểm... khiến nền hành chính
của nước nhà ngày càng tha hóa, chính các bạn cũng hẳn đã nghĩ rằng “sau này
mình làm việc sẽ nghiêm túc, không bao che, công khai, minh bạch ...”. Vậy mà
ngay bây giờ, tại cái môi trường sinh viên này, chỉ có mỗi vấn đề là thẳng thắn
phê bình thôi mà các bạn đã muốn “nói riêng với nhau”. Vẫn cứ lối tư duy “tốt đẹp
phô ra, xấu xa đậy lại” như thế, vẫn cái lối tư duy “đóng cửa bảo nhau” như thế,
phê bình, góp ý mà cũng phải ngấm ngầm làm riêng với nhau, thủ thỉ với nhau, anh
có lỗi với tổ chức thì tôi sẽ chỉ “nói thầm” riêng với anh thôi thì việc đó so
với việc “về nhà soi gương tự kiểm điểm, hay đứng úp mặt vào tường hỗi lỗi” có
khác là bao? Chắc các bạn muốn làm sai thì chỉ việc xin lỗi là xong chuyện sao?
Có mỗi vấn đề là phê bình, đánh giá, thậm chí là chỉ trích công khai thôi mà đã
“sợ” mất hòa khí rồi, vậy sau này im lặng mà sống không va chạm ai để “khỏi mất
lòng” sao? Tôi không giám nói chúng ta phải học hết theo phương tây, nhưng có một
điều đó là “đưa nhau ra công luận để phê phán, để tranh luận công khai, từ đó
giúp công luận ở giữa có đủ thông tin để biết mà đánh giá, phán xét” thì chúng
ta cần phải học tập ngay thôi, càng sớm càng tốt, không muộn mất, càng nên
tranh luận trực tiếp, ai mà mới có chút sức ép như bị phê phán một cách công khai
cũng không chịu được thì tốt nhất là xuống, tự xuống đi. Không giám công khai đối
diện với sự thật, với sự chỉ trích mà im ỉm giải quyết với nhau thì vô hình làm
cho công luận thành “bị mù, bị điếc” và còn lâu mới tìm ra được người có bản
lĩnh thực sự giám chịu trách nhiệm trước đám đông. Cứ lo “dĩ hòa vi quý” sẽ dẫn
đến con người rồi vì sợ, vì nể mà “im thít” hết.
Cũng vẫn là vấn
đề “duy tình hay duy lý”, một vài lần khác tôi vẫn thấy hội viên phàn nàn về
cái kiểu làm việc khắt khe, nặng nề như chính trị của CLB, nhưng nếu các bạn hiểu
chính trị là hoạt động của nhà nước, của “quan chức” thì các bạn hiểu chưa hết
đâu, đó chỉ là nghĩa chính và lớn nhất của thuật ngữ chính trị thôi. Và có một
điều nếu người nào có ý kiến, thì người đó đã quên rằng, một tổ chức muốn hoạt
động thì phải xây dựng được quy định, bộ máy, mô hình trước, nhưng quy chế và bộ
máy có rồi mà Hội viên và BCN vẫn cứ làm việc “tùy hứng”, vị nể không nghiêm
như thế thì còn phải họp nhiều, bàn nhiều, cũng đến lúc chúng ta chịu một chút
hy sinh để “sống và làm việc theo pháp luật” rồi. Quy chế của CLB không tạo ra để mang quyền
lợi cho một nhóm người nào đó, cũng không sinh ra để cản bước phát triển của
CLB. Một lẽ tự nhiên, con người trong xã hội vốn khác nhau, suy nghĩ khác nhau,
tính cách khác nhau, tư duy khác nhau nên bất kỳ một tổ chức nào cũng sẽ có những
quy định để đảm bảo tổ chức được vận hành ổn định và công bằng cho tất cả ở mức
cao nhất có thể, và quy chế chỉ quy định trong nội bộ tổ chức thôi. Ở môi trường
khác các bạn muốn hét la to đầy nộ khí hay sướt mướt với niềm riêng thì tùy,
không ai ý kiến được, nhưng một lẽ đơn giản thôi “nhập gia thì tùy tục”. Nếu
quy chế được BCN và Hội viên chấp hành đúng (chứ chưa giám nói nghiêm túc) thì có
lẽ sẽ chẳng bao giờ mất thời gian cho việc gì khác ngoài vui vẻ thăm quan và
nghiên cứu khoa học.
Nói chung, người Việt Nam vẫn còn
duy tình lắm, cứ thế này con đường đi lên Pháp quyền còn ở xa, rất xa.
Và đó là “đặt cược”.
Chỉ với vài vấn đề lớn trên, có lẽ hội nghị kiện toàn CLB
lần này sẽ khó hơn bao giờ hết, và cái khó nhất chính là nằm ở thời điểm.
Xin nhắc lại rằng:
việc tổ chức hội nghị kiện tòan là “quyền lợi” chứ không phải “nghĩa vụ” của
BCN, đây là cơ hội để CLB bàn giao công tác, hoạt động từ những hội viên sắp ra
trường cho những hội viên còn tiếp tục ở lại học – hoạt động, do vậy nếu không
bàn giao thì BCN cũng chẳng sao, có chăng sẽ là những vấn đề rất lớn phát sinh
sau đó, xin nhắc lại BCN được trao quyền bởi khoản 3 điều 11 Quy chế. Tuy vậy,
chính tại điều khoản này cũng có ràng buộc, đó là trao quyền cho BCN thì cũng
trao luôn quyền cho đa số hội viên để đảm bảo tập thể vẫn có quyền lớn nhất, đó
là “phải
có ít nhất chín mươi phần trăm tổng số hội viên được triệu tập. Các nội dung được
thông qua tại Hội nghị bất thường chỉ có hiệu lực khi được ít nhất bảy mươi lăm
phần trăm tổng số hội viên được triệu tập tán thành.” Nói đến đây, chắc các bạn đã hiểu tại sao tôi
lại nhắc đến vấn đề quản lý danh sách hội viên, ý thức hội viên và việc chấp
hành quy chế.
Với cái cách quản
lý hội viên như của BCN hiện nay theo kiểu có “hai danh sách” thì giả thiết con
số danh nghĩa hội viên là 70 người mà thực tế chỉ sinh hoạt có 50 người mà BCN
vẫn không “biết” phải làm gì hết thì con số “chín mươi phần trăm hội viên được
triệu tập” kia có vẻ là “không tưởng”.
Và mách cho các
bạn Hội viên nếu không hài lòng về cách làm việc của BCN cũng như phản đối việc
CLB quá nặng nề về vấn đề “quyền lực hay chính trị” (như cách các bạn nghĩ –
tôi thì thấy nó bình thường lắm) một điều nhé: các bạn được quy chế trao cho
quyền lớn nhất, nên chỉ cần ngày hôm đó không đến dự là xong, với quy định 90%
kia thì giả thiết CLB trên danh nghĩa có 70 người nhưng 8 người không đến dự
thôi (tối đa cho phép 07 người vắng mặt) là Hội nghị sẽ bị hủy bỏ rồi. Và như vậy
chúng ta sẽ có được niềm vui nho nhỏ đó là xem BCN tự đưa mình vào thế khó vì làm
công tác nhân sự “không tới bến” và chỉ còn ba ngày sau đó của tháng tư để tổ
chức Hội nghị khác hợp quy chế nếu không muốn phải ngồi nhìn mặt nhau đến Đại hội
2014.
Hoặc có một sự lựa
chọn khác đơn giản hơn, mà thông thường tôi vẫn thấy diễn ra đó là “chín bỏ làm
mười” khi hội nghị không đủ điều kiện, tức là thiếu một vài hội viên thì hẳn sẽ
có những ý kiến ngay tại buổi họp đó đề nghị “linh hoạt” theo kiểu trường hợp đặc
biệt, miễn là sao hội nghị có kết quả là được, bởi số đông đã mất công đến dự
không thể vì vài người mà hủy Hội nghị, và BCN chỉ việc “lơ đi” quy chế, thế là
xong. Có thể nói nếu có một quyết định
như vậy thì nó phù hợp về mặt chiến thuật nhưng lại sai lầm về mặt chiến lược,
bởi khi quy định đã bị bẻ cong một lần thì rồi sẽ có những lần thứ hai, thứ ba
và thứ “n” sau đó, và thế là khi quy định không còn được thực thi – tất cả sẽ
thành “vô tổ chức”. Nhìn vào thực trạng của một vài tổ chức sinh viên khác
trong Học viện hẳn các bạn đủ công tâm để thấy rõ, ở những tổ chức ấy có quy chế,
nhưng nó đã bị lơ đi từ rất lâu, và thế là quyền định đoạt mọi vấn đề đã thuộc
về một người hoặc một nhóm thiểu số rất nhỏ chứ không phải số đông, tức là dân
chủ bị bỏ quên.
Tôi cũng muốn đợi
lắm xem khi đó những người gác đền có đồng thuận tham gia vào quá trình phá đền
không, với kiểu “duy tình”, xuề xòa cho qua như con người Việt Nam thì điều đó
là rất có khả năng, và khi này quả bóng đã được đá sang sân của Ủy ban giám sát
thực thi quy chế, chẳng biết vô tình hay cố ý, nhưng nếu chuyện đó xảy ra thì
quả thật BCN và CLB đã rất “thành công” khi dồn những người gác đền vào thế khó
xử. Và trong đầu tôi hiện ra hình ảnh quy chế như một cánh đồng lúa mì vào buổi
sáng mờ sương, còn Ủy Ban giám sát giống như những người rơm được đặt giữa cánh
đồng để ngăn chim muông gây hại, nhưng khi những đàn chim đã đủ “dũng cảm” bay
xuống phá hoại mùa màng, thì luôn luôn - những người rơm chẳng làm được gì khác
ngoài im lìm bất động, những người rơm đấy hình như được gọi bằng một cái tên
gì đó khác tôi cũng không nhớ nữa? Dù sao có những con người thật vẫn tốt hơn,
chúng ta vẫn còn có nơi để hy vọng.
Vậy làm theo quy
chế quá khó, không làm theo quy chế cũng khó nhưng vẫn có vẻ dễ dàng hơn bởi chỉ
cần một cái tặc lưỡi “nốt lần này” thế là mọi chuyện êm thấm. Ngay cả khi các bạn
hội viên nghỉ thì các bạn cũng vẫn được quy chế bảo vệ để không bị loại nên thiết
nghĩ các bạn chẳng cần phải làm gì cả, không cần đến tham dự hội nghị cũng là một
cách để các bạn bày tỏ sự phản đối cái cách làm việc mang tính nặng nề, nhiêu
khê như các bạn vẫn đánh giá. Hãy sử dụng quyền của mình nếu các bạn thấy cần
thiết, và thật may mắn trong giai đoạn của chúng ta, chúng ta có thể có cơ hội
chứng kiến cảnh “bức tường quy chế” bị đập bỏ để mở ra một không gian khoáng đạt
hơn, dễ thở hơn mà ở nơi đó tôi xin mượn một câu thơ trong Truyện Kiều của Đại
thi hào Nguyễn Du để miêu tả (chỉ xin thay một chữ trong câu thôi): “Cuộc say đầy tháng trận
cười suốt năm”.
Một sự đặt cược gian nan!
(Ngày 05/4/2013 - Bài viết thể hiện góc nhìn và quan điểm cá nhân của
người viết!)
(Đá)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét