Bi hài với dạy văn tiểu học
Nhiều ý kiến cho rằng, cách dạy văn cho học sinh - nhất là
học sinh tiểu học, THCS - mang tính rập khuân, máy móc và mang tính áp đặt.
Giáo viên không dạy theo hướng mở, để trẻ tự tìm hiểu, sáng tạo mà đang đưa trẻ
vào kiểu học bài mẫu, học thuộc. Chính những khuôn mẫu này là một trong những
nguyên nhân đẩy trẻ vào sự "què cụt" trong câu chữ.
Ảnh
minh hoạ
|
Đúng "phom" điểm cao
Anh Tuấn Phong (đường Nguyễn
Phong Sắc, Hà Nội) phàn nàn: Thấy con trai học lớp 2 viết câu văn tả con vật
yêu thích hay mà phấn khởi. Nào ngờ, hoá ra là con đã được cô giáo
"mớm" lời để viết bài". Bài viết tả con vật yêu thích của con
anh Tuấn Phong như sau: "Con lợn nhà em kêu ụt ịt.
Khi được ăn no, nó lim dim và thở phì phò".
Theo anh Tuấn Phong, câu văn
thế này mà trẻ lớp 2 viết được thì phải mừng vì hiện trẻ ở thành phố không được
tiếp xúc với con trâu, bò, lợn, gà... như trẻ nông thôn. Ngày đưa con về quê,
anh Tuấn Phong "ngã ngửa người" khi thấy con chỉ vào con bò reo lên
thích thú: "Ôi mẹ ơi, con lợn màu vàng kìa". Khi
anh hỏi con, hôm trước tả con lợn hay thế, sao giờ lại bảo đây là con lợn màu
vàng, cháu thật thà: "Thì cô con dạy, con lợn có bốn chân, khi tả con lợn
là phải kêu ụt ịt chứ con đâu biết nó như thế nào nữa ạ".
Cháu Việt Anh (huyện Từ
Liêm, Hà Nội) mang vở chạy qua nhà tôi, mếu máo: "Cháu làm bài văn tả ông
nội nhưng chỉ được có điểm 6. Bài văn viết: "Ông nội em rất phúc hậu. Vầng
trán ông cao vào nhiều nếp nhăn. Buổi tối, ông thường dạy em học bài. Em thích
ông nội vì ông không quát mỗi khi em làm bài sai". Bài văn được cô giáo
gạch chân ở câu kết với lời phê:"Chưa thể hiện được tình
yêu thương với ông nội".
Việt Anh cho biết, ở lớp cô giáo dạy: Tả ông nội tóc bạc phơ,
da nhăn nheo; Còn tả cô giáo thì dáng người phải thon thả, tóc dài, nói năng
nhỏ nhẹ. "Nhưng ông cháu tóc cắt ngắn và không bạc. Còn cô giáo thì hay
quát các bạn nên cháu không dám tả" - Việt Anh phụng phịu kể.
Hoá ra, những học sinh nào làm bài đúng theo "phom" mà cô giáo đưa ra sẽ được điểm cao. Còn tả đúng thực tế như
Việt anh thì điểm sẽ thấp.
Dạy học sinh nói dối?
Cô giáo Hải Yến (Trường Tiểu học Khương Thượng, quận Đống Đa,
Hà Nội) cho biết, cách học môn tiếng Việt và Tập làm văn của học sinh tiểu học
hiện nay yêu cầu vận động nhiều hơn, ngôn ngữ phong phú hơn.
Nhưng đáng buồn là nhiều trẻ không có khái niệm ngôn ngữ do
đọc truyện tranh hoặc chỉ chú tâm chơi điện tử nên tư duy cằn cỗi.
Cũng theo cô Hải Yến, có những đề bài, giáo viên yêu cầu học
sinh phải quan sát để đặt câu nhưng có học sinh đặt những câu cụt lủn, diễn đạt
lòng vòng rất buồn cười. Chẳng hạn, đề bài "tả mùa hè", các học sinh
chỉ dừng lại cách tả như: "Mùa hè có nắng, có gió", ngoài ra không mô
tả được gì phong phú hơn.
Việc giảm tải chương trình có cái hay nhưng theo cô Yến, giảm
tải vừa thừa, vừa thiếu khiến việc dạy Tập làm văn cho học sinh tiểu học có cái
khó. Chẳng hạn, trước đây có 3 tiết tập đọc/ tuần, hiện nay chỉ còn 2 tiết/
tuần, cùng một tiết tập đọc kể chuyện, hoặc có những bài cung cấp vốn từ cho
học sinh lại bị bỏ đi. Đặc biệt, việc thiếu vốn từ một phần do trẻ hiện nay quá
mê đắm vào truỵện tranh nên ngôn ngữ nhiều từ hi hi, ha ha... rất hời hợt.
Cô giáo Nguyệt Thị Kỳ, người có hơn 30 năm dạy lớp chuyên văn
ở Trường THPT Hậu Lộc 1 (TP Thanh Hoá) nhận xét, điểm yếu của việc dạy Văn ngày
xưa là thiếu tài liệu, đặc biệt văn học nước ngoài.
Hiện nay, tài liệu nhiều hơn lại dẫn đến tình trạng học sinh
và giáo viên quá phụ thuộc vào văn mẫu. Các bài văn đọc lên đều na ná giống
nhau, không có tính phát hiện. Đặc biệt, ở tiểu học, kiến thức bậc học này tuy
dễ mà khó. Dễ vì học sinh còn học đơn giản, nhưng khó là vì nếu dạy sai, sẽ ảnh
hưởng đến tư duy của trẻ về sau.
Theo chị Thu Vân (Bắc Linh Đàm, Hà Nội), nếu sự vật không
đúng như vậy nhưng giáo viên cứ vạch sẵn "phom" để học sinh viết
theo, nghĩa là đang dạy cho trẻ nói dối. Dạy chữ nhưng phải dạy trẻ nhân cách
làm người. Vì vậy, hãy dạy sao để tôn trọng suy nghĩ thật của trẻ.
"Giáo viên nên hướng
cho trẻ trí tưởng tượng để viết chứ không nên áp đặt vào khuôn mẫu sẽ bào mòn
tính sáng tạo và rập khuôn. Học sinh nào không làm đúng như thế thì không cho
điểm là quan điểm sai của nhiều giáo viên hiện nay".
Cô giáo Nguyễn Thị Kỳ - trường
THPT Hậu Lộc 1 (TP Thanh Hoá)
|
(Theo Gia đình & Xã hội)
Nguyễn Thị Loan sưu tầm
(nhóm trưởng nhóm 1)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét