- Đến hẹn lại lên, cứ đến mùa thi tình trạng “copy - paste” lại nở rộ trong hình thức thi làm tiểu luận, bài tập lớn. Tình trạng này đang được coi là một căn bệnh nan y của ngành giáo dục được nhiều sinh viên cổ súy.
Chợ online sôi động
Kết thúc môn học bằng hình thức làm bài tập lớn, tiểu luận là điều mà bất cứ sinh viên nào cũng “hoan hô”. Không phải vì đề tài mở, chủ động tìm tài liệu, phát huy hết khả năng sáng tạo và năng lực của sinh viên mà hơn hết là “làm nhanh – dài- điểm cao” và đặc biệt được cắt – dán thoải mái.
Cắt dán đã trở thành bệnh của sinh viên thời nay. (Ảnh minh họa)
Internet chính là một kho tài liệu vô tận, nơi sinh viên thể hiện kỹ năng cắt – dán siêu hạng. Trên các web, chợ online việc mua bán, sao chép luận văn, tiểu luận diễn ra rất sôi động. Nhiều sinh viên vỗ ngực tự hào chỉ cần mất vài giờ đồng hồ có thể làm được tiểu luận dài cả trăm trang.
Với sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Hành Chính, Trường ĐH Văn hóa, Trường ĐH Công đoàn…việc cắt – dán càng trở nên phổ biến với các môn học lí thuyết và thực hành. Cụ thể, các môn: Nhập môn báo in, Báo mạng, Cơ sở lí luận báo chí, lLao động nhà báo, Tác phẩm báo chí đại cương…(Học viện Báo chí và Tuyên truyền) không thể tránh khỏi tình trạng cắt dán.
Chứng kiến cảnh Quyết, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã Hội và Nhân văn Hà Nội làm luận văn mới thấy hết được nỗi “vất vả” của sinh viên cuối khóa. Quả thực, chỉ trong khoảng chưa đầy hai tiếng Quyết đã viết được trên 60 trang giấy A4, cỡ chữ 12. Khi tôi tỏ vẻ thán phục, Quyết thản nhiên đáp “tớ vừa copy từ một luận văn khác nên mới nhanh thế chứ, có đầu óc thiên tài cũng chả nghĩ ra được từng đấy trong hai giờ”. Khi được hỏi về điểm thì Quyết thật thà chia sẻ “nghĩ làm gì cho to đầu, nát óc ra điểm tớ vẫn cao như thường”. Quyết còn tỏ ra am hiểu “chỉ cần trình bày sạch đẹp, dài, mục lục rõ rang là ăn điểm 8, 9 thôi”.
Nghi ngờ về chiêu thức của Quyết, phóng viên đã thực hiện một cuộc phỏng vấn nhỏ đối với sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thì nhận được khái quát “sinh viên bây giờ đứa nào chả cắt - dán”, “mình vẫn thường xuyên như vậy và thấy không ảnh hưởng gì”, “tớ copy khá nhiều trong bài tập lớn cuối khóa vừa rồi nhưng hình như cô không biết thì phải, vẫn được 8 điểm”, “sinh viên bây giờ 90% cắt - dán”….
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như các tiểu luận, bài tập lớn trên bị cho điểm thấp, hoặc điểm trung bình. Tuy nhiên, các tiểu luận “đạo” đến 90% vẫn lần lượt được điểm khá, giỏi. Đây là một điều bất hợp lí?
“Copy của copy”
Cắt dán đã biến học sinh dốt, học hành làng nhàng thành những sinh viên ưu tú, điểm cao chót vót. Tình trạng này là có thật trong đời sống giáo dục Việt Nam. Nhiều giảng viên khi chấm bài cho biết, có những sinh viên copy đến 99%, thậm chí bê nguyên văn tiểu luận của các khóa trước thành bài của mình.
Nhiều sinh viên lên các diễn đàn mách nước cho nhau. Theo nickname nguyenha28 chia sẻ “copy là bệnh rồi ai SV cũng mắc thôi”. Bạn này còn cho biết thêm “việc cắt – dán cũng phải có kỹ thuật, phần đầu với kết luận thì nên tự viết còn phần thân cứ thoải mái vẫy vùng”. Như vậy, nhằm che mắt các thầy cô giáo các sinh viên “mắc bệnh” cắt dán này sẽ làm mới phần đầu và kết luận, còn phần thân sẽ copy toàn diện.
Nhiều tiểu luận cắt dán vẫn qua mắt giảng viên. (Ảnh minh họa)
Trao đổi về vấn đề này, thầy Đức Dũng, giảng viên Khoa Phát thanh – Truyền hình (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, trong quá trình dạy và chấm thi của mình thầy đã đọc rất nhiều các tiểu luận và khóa luận được làm ra bằng chiêu thức “copy - paste”, thậm chí còn là “copy của copy”.
“Bản thân tôi đánh giá thấp và sẵn sàng loại bỏ các khóa luận có dấu hiệu copy - paste” - lời thầy Dũng. Cắt – dán đã thành bệnh của sinh viên Việt Nam nên các nhà giáo cần phải nghiêm khắc hơn đối với các sinh viên sử dụng chiêu thức này để làm bài thi.
Kể về chiêu thức “copy của copy” thầy Dũng nói “khi tôi phản bác bài luận văn của một em sinh viên là copy sách của một giáo sư thì em sinh viên nhất định không chịu nhận, khi tôi đưa ra bằng chứng em vẫn ngây ngô không hiểu. Chẳng là em sinh viên này copy lại bài của một sinh viên ở trên mạng mà không biết nguồn gốc của bài viết đó cùng là copy”.
Làm tiểu luận, bài tập lớn là để mở mang kiến thức, phát huy năng lực sáng tạo của bản thân. Tuy nhiên, không ít sinh viên ngày nay làm theo hình thức “copy – paste” theo kiểu chống đối nên đã làm mất đi những ưu điểm vượt trội của hình thức thi cuối kỳ này.
Huệ Bạch
(Nguồn Vietnamnet.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét