Bàn về thất bại (phần 1) - Nhận diện thất bại




Bàn về thất bại (phần 1) – Nhận diện thất bại

          “Thất bại là mẹ của thành công” là câu nói cửa miệng của người Việt Nam ta. Trẻ con tiểu học thì được dạy cho tới cụ già bạc đầu vẫn thường nói câu này, vậy là dân ta rất quan tâm tới cái gọi là thất bại. Chẳng những người Việt Nam ta mà cả thế giới này đều quan tâm tới thất bại. Dale Carnegie nói : “Xây dựng thành công từ thất bại. Sự chán nản và thất bại là hai bước đệm chắc chắn nhất dẫn tới thành công.”- Develop success from failures. Discouragement and failure are two of the surest stepping stones to success.

            Gần đây, người ta liên tục bàn về thất bại, nào là thất bại thị trường, thất bại trên chính trường, thất bại quân sự, thất bại đàm phán, thất bại ở Biển Đông,…Khiến chúng ta có cảm giác như thế giới này đồng nghĩa với thất bại vậy. Tuy nhiên, đó là cái “ thất bại” ở cái tầm vĩ mô mà chúng ta khó bàn tới, bàn tới cũng khó hiểu, hiểu rồi cũng khó vận dụng, vận dụng rồi cũng khó mà sáng tạo, nên tôi sẽ bàn về hai chữ thất bại theo nghĩa gần gũi hơn - sự thất bại trong cuộc sống và trải nghiệm của mỗi con người.
          Tra trong từ điển Lạc Việt thì thất bại là kết quả không đạt được như dự định. Đây có lẽ là quan niệm khá phù hợp với suy nghĩ của nhiều người về thất bại.
          Thi trượt đại học, không dành được học bổng, không chinh phục nổi một cô gái…điều đó có thể gọi là thất bại. Vấn đề đặt ra là chúng ta có một cái nhìn chung, hay một khái niệm chung cho nhân loại về thất bại hay không?. Cùng một vấn đề, tại sao có người coi là thất bại, có người không coi là thất bại?. Có người nhìn vấn đề đó là nguy cơ, có người nhìn vấn đề đó là cơ hội?. Vấn đề nằm ở chỗ cách nhìn của mỗi người về cái gọi là thất bại. Hay nói cách khác, khái niệm thất bại là tuỳ thuộc vào mỗi chúng ta - mà chính xác là dựa vào quá trình sự suy ngẫm của mỗi chúng ta.  “Không bao giờ là thất bại, tất cả là thử thách” là quan niệm của cố chủ tịch Chung Ju Yung - người sáng lập tập đoàn Huyndai khi nói về thất bại.


          Có bao giờ bạn cố định nghĩa cho được thế nào là thất bại, thế nào là thành công?. Chúng ta được dạy về những điều đó, về thế nào là thất bại, thế nào là thành công, để có một hình mẫu lý tưởng, để chúng ta phấn đấu. Đó dường như là một điều tốt, vì khi chúng ta sẽ biết cái hình tượng mà chúng ta phấn đấu là gì, người lớn cũng yên tâm hơn, mà trẻ con lại có cái để chăm chỉ hơn, còn sinh viên đại học có cái để phấn đấu. Nhưng, việc này tồn tại một rủi ro của nó. Khi bạn cố định nghĩa cặp đôi thành công và thất bại, thì rất có thể bạn đang sống dựa vào những kì vọng của người khác, những suy nghĩ của người khác áp đặt cho bạn, hay những gì người khác khuyên răn bạn. Tôi không có ý định khuyên ai đó không nghe lời người lớn, không phấn đấu theo những hình mẫu lý tưởng, bỏ qua các quan niệm, gạt bỏ những cuốn từ điển hay làm điều gì đại loại thế, mặc dù bạn có quyền làm điều đó. Điều mà tôi muốn chia sẻ là việc quan niệm như thế nào là thất bại,  thế nào là thành công không đơn thuần là một quá trình tiếp thu thụ động. Mà các quan niệm đó cần thông qua sự trải nghiệm của bản thân và tự đưa ra cho một định nghĩa nào đó, và đúng với chính bản thân mỗi người chúng ta nhất.
          Tại sao chúng ta cần làm như vậy ? Tại sao không đơn giản là việc chúng ta thừa nhận một khái niệm nhất định nào đó về thất bại, làm chuẩn mực cho mọi người. Bởi lẽ, chúng ta là những kẻ biết suy nghĩ, chúng ta khác biệt với mọi người khác biệt khác. Chúng ta khác biệt và chúng ta có lối tư duy riêng. Tại sao chúng ta phải theo các khuôn mẫu gò bó ? Tại sao phải tự nhốt tư duy của mình hoặc neo đậu nó vào một quan niệm cố hữu ?. Hãy nghĩ về hơn 10,000 lần “thất bại” của Edison trước khi ông phát minh ra bóng đèn. Khi được hỏi về điều này, ông chỉ bình thản trả lời rằng “những kết quả mà ông gặt hái được thật ra là khám phá được 10,000 cách để không phát minh được bóng đèn mà thôi!” . Edison không coi những thử nghiệm của mình là thất bại, mà xem chúng như những cơ hội để học hỏi.
Còn  Chung Ju Yung tin rằng: “Nếu bạn định nghĩa mỗi lần vấp ngã là một lần thất bại thì đó thực sự là thất bại, nếu bạn định nghĩa một lần vấp ngã đơn giản chỉ là thêm một thử thách thì bạn mãi mãi là người bất khả chiến bại, tất cả đều do bạn lựa chọn”.
Chúng ta gieo suy nghĩ, gặt tư duy, gieo tư duy, gặt trí tuệ, tất cả là do cái nhìn của bạn. Hi vọng rằng dưới cái nhìn của bạn, thất bại hay thành công không có chỗ cho sự mù quáng của nó!

                                                                                      Nhẫn Thuỷ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét